phần mềm hỗ trợ | đổi tone online | cảm âm sáo | bẩn bựa hội |
Sau 60 năm, một nữ y tá sống cùng Adolf Hitler trong boong-ke vào những ngày cuối cùng ở Berlin vẫn sống. Nhân chứng tiết lộ sự thật trong quá khứ cho tờ Guardian (Anh) ngày 1/5/2005. Suốt 60 năm qua, gia đình Erna Flegel cũng chỉ biết rằng bà sống ở Berlin vào những tuần cuối cùng của Thế chiến II, nhưng không rõ bà làm gì và ở địa điểm cụ thể nào. Tháng 11/1945, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thẩm vấn Flegel và biên bản cuộc phỏng vấn được giải mật cách đây 4 năm, nhưng không được phổ biến. Cách đây 2 tháng, tờ BZ có trụ sở tại Berlin mới lần ra được địa chỉ của những người thân trong gia đình Flegel thông qua Hội Chữ thập đỏ và các tài liệu chiến tranh. Thật bất ngờ khi gia đình cho biết bà Flegel vẫn còn sống trong nhà dưỡng lão ở miền Bắc nước Đức và đã 93 tuổi. Một nhân chứng khác sống cùng Hitler trong boong-ke là Rochus Misch - Người trực điện thoại, đã 88 tuổi, sống ở Berlin. Người còn lại là Erna Flegel đã lần đầu tiên tiết lộ bí mật. Erna Flegel kể lại bà là nữ y tá ở mặt trận phía Đông trước khi được chuyển về Berlin làm cho Hội Chữ thập đỏ từ tháng 1/1943. Vào những ngày cuối cùng của phát xít Đức, bà là một trong những người sống cùng Hitler để chăm sóc sức khỏe cho những người trong boong-ke ở Berlin. Bà Flegel cho biết Hitler vẫn tỏ ra vui vẻ, thường xuyên nói chuyện với các nhân viên khi các phòng tuyến của quân phát xít liên tục tan rã. Tuy nhiên, khi một phần của Berlin bị thất thủ và Hồng quân Liên Xô tiến gần tới trung tâm thành phố, Hitler thể hiện rõ sự suy sụp. Bà kể: “Hitler không muốn được quan tâm về sức khỏe. Tóc ông ta bạc thêm nhiều và trông già hơn 15 - 20 tuổi. Ngay cả việc đi lại của ông ta cũng khó khăn do sức khỏe suy sụp”. Tới ngày 29/4, những vị trí cuối cùng của quân phát xít ở trung tâm thành phố bị tấn công, mọi liên lạc từ boong-ke với thế giới bên ngoài bị cắt đứt. “Lúc 10 giờ 30 tối 29/4, Hitler ra khỏi phòng riêng đến bắt tay các nhân viên, nói vài lời thân thiện. Đêm hôm sau, chỉ một số người nghe thấy tiếng súng ở phòng Hitler. Các nhân viên trong boong-ke phải quyết định ở lại hay không. Tôi biết Hitler đã chết bởi đột nhiên có thêm nhiều bác sĩ xuất hiện trong boong-ke. Tôi không được nhìn thấy xác Hitler, nhưng tôi được đưa đến khu vườn nơi người ta hỏa thiêu thi thể ông ta” - Bà Flegel kể. Sáng hôm sau, những người còn sống trong boong-ke được báo cho biết họ được giải thoát khỏi “sứ mệnh trung thành” và một số người trong đó có cả thư ký riêng của Hitler là Matin Borman đã không lựa chọn cái chết. Bà Flegel ở lại trong boong-ke và chứng kiến cái chết của gia đình Frau Goebbels – người đứng đầu bộ máy tuyên truyền phát xít Đức; vợ chồng bác sĩ nha khoa Helmut Kunz - Người đã tiêm thuốc độc cho chính những đứa con của ông ta từ 4 - 12 tuổi và sau đó cùng tự sát với vợ... Không khí trong boong-ke căng thẳng mặc dù những người còn sống không ai nói đến chuyện sống hoặc chết. Binh lính thuộc lực lượng SS bắt đầu rời khỏi boong-ke. Sáng 2/5/1945, Hồng quân Liên Xô xuất hiện ở lối vào boong-ke khi bên trong chỉ còn lại 6 hoặc 7 người. Bà Flegel cho biết, Hồng quân đối xử rất nhân đạo, cho phép bà tiếp tục làm việc như một nữ y tá để chăm sóc các binh lính bị thương cho đến khi CIA muốn thẩm vấn bà. Sau này bà tiếp tục làm y tá, đi tới nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới và không kết hôn. Bà Flegel tâm sự trong những ngày ở boong-ke bà không ưa gì vợ chồng Frau Goebbels. Tuy nhiên, bà chính là người đã cố thuyết phục vợ chồng Frau Goebbels không giết 6 đứa con của họ trước khi tự sát. Bà Flegel tỏ ra khó chịu với việc vào những ngày cuối cùng Hitler đã quyết định cưới người tình Eva Braun làm vợ. Theo bà, những người khác cũng cảm thấy như vậy dù sau đó Eva đã chứng tỏ lòng trung thành bằng cách tự sát theo Hitler... Dù đã 93 tuổi, nhưng nữ y tá của Hitler vẫn còn sáng suốt. Bà có rất ít khách đến thăm. Kỷ vật duy nhất thời kỳ phát xít bà còn giữ là chiếc khăn trải bàn. Hạnh Diễm (Theo Guardian) |
||
Việt Báo (Theo_Tien_Phong) |